Báo Tuyên Quang - Nơi khởi đầu nghề báo của

- Mặc dù thích đọc sách, báo từ nhỏ và say mê báo chí, văn chương từ khi còn học cấp III, song tôi lại khởi đầu nghề viết khá muộn, mãi ngoài 30 tuổi mới gửi bài đăng báo lần đầu. Đó là truyện ngắn Ngựa đá, được in trên báo Tân Trào - tờ báo của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, năm 1992. Lần đầu tiên có truyện ngắn in báo tôi vui không thể tả xiết, đem khoe với cả những người không quen. Tôi cảm thấy lâng lâng suốt ngày và sướng đến độ nửa đêm còn dậy thắp đèn đọc lại truyện của mình. Đến lúc đó tôi mới tin "ma lực con chữ" mà nhà văn, nhà báo Đinh Công Diệp từng nói, là có thật!

Nhà báo Nguyễn Trần Bé.

Sau đó tôi "thừa thắng xốc tới" gửi cấp tập các sáng tác của mình về tòa soạn báo Tân Trào. Song hiềm một nỗi, mỗi tháng báo chỉ ra một kỳ, số trang có hạn, giỏi lắm cũng chỉ in được một bài cho mỗi tác giả. Vậy là tôi phải đợi. Đợi trong sự mong ngóng đến mòn mỏi! Thật may. Đúng lúc tôi đang cảm thấy "dài cổ" và đem bản thảo xuống nộp trực tiếp cho toà soạn báo Tân Trào thì gặp nhà báo Nguyễn Trọng Hùng tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang. Trước đó tôi được biết anh Trọng Hùng là một người viết văn xuôi có tiếng của giới văn chương tỉnh nhà. Sau vài câu chào hỏi, biết tôi đang ngấp nghé bước vào "ngôi đền văn chương", anh Trọng Hùng nói một câu bâng quơ:

- Lại thêm một kẻ trời đày!

Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu câu nói đó, thì anh Hùng cười cười:

- Anh trêu em tí thôi!

Rồi anh vỗ vai tôi, thân mật bảo:

- Trần Bé này, muốn có bài được đăng nhiều hơn thì em hãy viết cho báo Tuyên Quang. Báo này mỗi tuần ra 1 số, tần suất gấp 4 lần báo Tân Trào. Viết tin, bài dạng báo chí chứ không phải dạng văn nghệ, em ạ.

- Nhưng em đâu có biết viết báo. Em cũng chưa được học, chưa có ai chỉ bảo, anh ạ! - Tôi gãi đầu.

- Em cứ mạnh dạn viết, cuộc sống sẽ dạy mình. Nghề viết có nhiều cách học khác nhau mà em. Mình cứ chịu khó đọc báo xem người ta viết thế nào, rồi tự học hỏi và tích cực viết là sẽ ổn. Thực tế cho thấy ai biết viết văn thì thường sẽ viết được báo. Bước đầu cộng tác có khó khăn gì anh sẽ giúp. Anh hiện đang làm bên báo Tuyên Quang.

Anh Hùng vừa dứt lời thì nhà văn Triệu Đăng Khoa, biên tập viên của báo Tân Trào, động viên tôi:

- Anh Hùng nói đúng đấy. Trần Bé nên cộng tác với cả báo Tuyên Quang!

 Nghe anh Hùng, anh Khoa nói thế tôi mừng lắm. Trước khi ra về tôi xin anh Hùng địa chỉ Toà soạn báo Tuyên Quang để gửi bài, lòng tràn đầy hi vọng.

Từ bữa ấy tôi bắt đầu gửi bài đều đều cho báo Tuyên Quang. Mỗi lần viết tin, bài tôi thường chép làm hai bản, giữ lại một bản. Khi tin bài được đăng tôi đem ra so sánh xem tòa soạn chỉnh sửa, cắt gọt thế nào để từ đó rút ra bài học cho chính mình. Điều tôi rút ra trước tiên là các tin, bài của mình khi đăng báo thường được cắt ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào sự kiện, vấn đề chứ không "vòng vo tam quốc" và "tràng giang đại hải" như kiểu viết lúc đầu của tôi. Tôi thực sự nể phục các biên tập viên của tòa soạn khi họ đã giúp tôi làm hay hơn, gọn hơn các tin, bài của mình! Tôi nhớ ngày ấy báo Tuyên Quang có cuộc thi "Người tốt, việc tốt".

Tôi tham gia 6 bài, được in cả, đều là các tấm gương tốt ở ngay làng xã của tôi. Kết thúc cuộc thi tôi được giải Khuyến khích. Tuy giải nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa với tôi. Nó thực sự trở thành động lực, thành niềm tin, một sự động viên lớn giúp tôi vươn lên, trở thành cộng tác viên tích cực của báo. Điều khiến tôi xúc động tại buổi lễ trao giải, là anh chị em của báo Tuyên Quang rất thân thiện với tôi, tạo cho tôi cảm giác gần gũi, thân tình. Các nhà báo: Phù Ninh, Trọng Hùng, Đỗ Hùng, Thế Hòa, Minh Hòa... bắt tay tôi thật chặt, cứ như thể tôi là người đoạt giải cao của cuộc thi.

Có một dịp gần Tết, hình như năm 1993, khi đi công tác ở huyện Hàm Yên trở về, đoàn công tác của báo Tuyên Quang, do Tổng Biên tập Phù Ninh dẫn đầu, đã "đánh xe con" về thăm gia đình tôi ở xã Thái Hòa, tặng tôi một cuốn sổ tay và chiếc bút rất đẹp. Nhà báo Phù Ninh nói với vợ tôi: "Chú Bé là cộng tác viên tích cực của tòa soạn báo Tuyên Quang đấy, cô ạ". Tôi nhìn thấy nét xúc động xen lẫn niềm tự hào trên gương mặt vợ tôi trước những nhà báo lớn. Từ đó tôi liên tục cộng tác với báo Tuyên Quang cho đến cuối năm 1995 thì lên đầu quân cho báo Hà Giang. Sau 3 tháng hợp đồng thử việc, tôi được nhận vào làm phóng viên, rồi làm biên tập viên của báo.

Thời kỳ làm Trưởng phòng Bạn đọc - Tư liệu - Thư viện của báo Hà Giang, tôi được Ban Biên tập phân công chủ trì phối hợp với các ban ngành của tỉnh và các huyện mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên báo chí. Khi đứng lớp truyền đạt kinh nghiệm viết báo, tôi đều lấy chuyện mình làm cộng tác viên của báo Tuyên Quang để kể với các học viên, rồi chốt một câu mang tính khẳng định: "Các bạn biết không, tôi trở thành nhà báo chuyên nghiệp bắt đầu từ một cộng tác viên như thế"!

 Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 2025) tôi kể lại chuyện nhỏ này, như một lời tri ân với báo Tuyên Quang - nơi khởi đầu nghề báo của tôi!

Nhà báo Nguyễn Trần Bé

Tin cùng chuyên mục